Dành cho Logos quảng cáo
Trang giải trí của người Việt

Diễn Đàn

Bài 2: TRAO ĐỔI VỀ TRUYỆN KIỀU - Ý KIẾN CỦA ÔNG AN CHI
TS. PHAN TỬ PHÙNG, HỒ NGỌC MINH, TRẦN ĐÌNH TUẤN
26.12.2013 23:05:01

Hình minh họa

Lời giới thiệu:

Vietnamsuhoc.com xin giới thiệu với độc giả (trang Văn Học) một diễn dàn đang sôi nổi chung quanh "Truyện Kiều - Nguyễn Du". Dĩ nhiên "sóng trường giang lớp sau dồn lớp trước" nên mọi việc bàn luận mang nét mới của những nhận xét mà chỉ có những nhà nghiên cứu có hiểu biết rộng mới dám đề cập đến. Nói như thế khong phải vietnamsuhoc.com thiên vị về mọi ý kiến của diễn đàn này, mà thấy rằng những vấn đề đang được bàn luận từ diễn đàn này rất hay và rất bổ ích khi tìm hiểu vế "Truyện Kiều"... Xưa nay chúng ta biết về Truyện Kiều qua các sách giáo khoa nên thường không thể đào sâu từng câu thơ hay từng chữ với ý nghĩa dích thực của nó mà Nguyễn Du đã có dụng ý dùng, thì nay "diễn đàn này đang giúp chúng ta vậy.

ĐỘC GIẢ: Trên tạp chí  Khoa Học Xã Hội của VTV2 (tháng 3.1999), PTS Nguyễn Hữu Đạt đã phân tích và khẳng định rằng hai tiếng nét ngài trong câu thứ 20 của Truyện Kiều (Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang) có nghĩa là nét người, dáng người (chứ không phải là nét lông mày). Vì ở đây ngài là tiếng địa phương có nghĩa là người. Xin cho biết lời khẳng định này có đúng hay không?

AN CHI: Nét ngài chính là nét lông mày và tiếng ngài dùng để chỉ lông mày trong ngôn ngữ của Nguyễn Du cũng giống như chữ nga (= con ngài) có thể dùng một mình thay cho hai chữ nga mi (= mày ngài) trong tiếng Hán (X. chẳng hạn Từ Nguyên hoặc Tứ Hải). Rất tiếc là chúng tôi không được vinh dự nghe buổi giải đáp của ông Nguyễn Hữu Đạt trên VTV2 nhưng dù cho vị Tiến Sĩ này có phân tích như thế nào thì nét ngài cũng không thể là nét người được vì những lý do sau đây:

1. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng từ người tất cả là 214 lần (X. Từ điển Truyện Kiều của Đào Duy Anh, NXB KHXH. 1974) và trong 214 lần đó Nguyễn Du đã có ý thức sử dụng từ đang xét theo đúng âm chuẩn của ngôn ngữ toàn dân là "người" (mà ở nhiều vùng Bắc Trung Bộ phát âm thành "ngài"). Vì vậy, không có bất cứ lý do xác đáng nào để giải thích tại sao tác giả lại tạo ra một ngoại lệ kỳ quái bằng cách dùng âm "ngài" thay cho "người" chỉ ở riêng câu thứ 20 mà thôi. Mặc dù Nguyễn Du đã nói về toàn bộ kiệt tác của mình là "Lời quê chắp nhặt dông dài" nhưng chắc chắn ông không quê đến độ dùng "ngài" thay cho "người" trong trường hợp đang xét và chỉ trong trường hợp này mà thôi.

2. Ở các bản Nôm, chữ "người" trong tất cả 214 trường hợp đã nói đều được viết thành (vh70306_4) có chữ nhân () là người làm nghĩa phù (để chỉ con người) còn chữ ngài trong nét ngài của câu thứ 20 thì lại được viết thành (http://nomfoundation.org/fonts/Nom160587.png), có chữ hủy (hủy) làm nghĩa phù (để chỉ con ngài, tức là con bướm tằm). Chữ nghĩa đã rõ ràng như thế thì ngài ở đây làm sao lại có thể là "người" được!

3. Huống chi chữ ngài của câu thứ 20 lại nằm trong một cái thế hiệp vần giữa những câu thơ sau đây:

Mai cốt cách, tuyết tinh thần, - Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.

Vân xem trang trọng khác vời, - Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang

Nếu ngài đúng là "người" thì chắc chắn Nguyễn Du đã "tự nhiên nhi nhiên" mà hạ chữ người (thành "nét người") để cho sự hiệp vần được chặt chẽ hơn (mười-với-người) chứ tội gì phải dùng chữ "ngài" vừa làm cho vần không chỉnh bằng (mười-vời-ngài) vừa gây ra chuyện để hậu thế phải tranh cãi xem đó là "con ngài" hay "con người", nhất là để gây ra cái ngoại lệ "không giống ai" so với 214 trường hợp kia.

4. Mới ở câu thứ 17, Nguyễn Du còn tả hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân là mai cốt cách, tuyết tinh thần thì có lẽ nào đến câu 20 ông lại "phản phé" mà "thổi" Thúy Vân lên thành một người đẹp có thân hình nở nang? Tiểu thuyết gia hạng xoàng còn chưa làm được như thế, huống hồ Nguyễn Du!

Tóm lại, nét ngài ở đây là nét lông mày chứ không phải là "nét người". Có nhà nghiên cứu cho rằng, nếu dùng nét ngài để chỉ nét lông mày trong trường hợp này là không hợp lý. Ông đã viết như sau:

"Không hợp lý bởi tính không chỉnh trong vế đối về hai câu này: Một bên là khuôn trăng (hiểu nôm na khuôn mặt); một bên là nét ngài (nếu hiểu là nét lông mày) vốn chỉ là một phần, một nét trên khuôn mặt. Ta thường chỉ thấy các bộ phận thân thể có cùng cấp độ được đem ra so sánh với nhau như râu hùm - hàm én, mắt phượng - mày ngài, lưng ong - đùi dế, v.v... Thế mà trong câu Kiều trên đây lại có sự so sánh khập khiễng không cùng cấp độ: Khuôn mặt với nét lông mày"

(Hà Quang Năng, "Lại nói về hai chữ nét ngài trong Truyện Kiều", Ngôn ngữ & Đời sống, số 5 (19) -1997, tr 22)

Thực ra, nếu ở đây có sự khập khiễng nào thì đó là lỗi của tiếng Việt, bắt nguồn từ trong tâm thức của người Việt, chứ chẳng phải lỗi của Nguyễn Du. Tiếng Việt vẫn "đặt ngang hàng" cái mặt người với một bộ phận của nó: mặt măng miệng sữa; mặt trơ trán bóng; mặt xanh nanh vàng; tai to mặt lớn; đỏ mặt tía tai, v.v... Đặc biệt đôi lông mày lại có duyên nợ sâu đậm với cái mặt. Chẳng thế mà trước nhất tiếng Việt có từ tổ đẳng lập mặt mày rồi sau đó là một loạt thành ngữ: mặt chai mày đá; mặt dạn mày dày; mặt hoa mày liễu; mặt muội mày gio (tro); mặt nặng mày nhẹ; mặt ngang mày dọc; mặt rác mày dơ; mặt se mày sém; mặt sưng mày sỉa, mặt ủ mày ê; v.v... Rồi một loạt tổ hợp cố định có vị từ làm nòng cốt như: méo mặt méo mày; nhăn mặt nhíu mày; nở mặt nở mày; v.v... Cuối cùng là một loạt cấu trúc tự do trong đó mặt mày đóng vai trò chủ ngữ như: mặt mày hớn hở; mặt mày rạng rỡ, mặt mày sáng sủa; mặt mày tươi tắn.

Vậy nếu Nguyễn Du tả khuôn mặt của Thúy Vân bằng cách phác họa khuôn mặt và nét mày của nàng chẳng qua là ông cũng làm theo tâm thức và tập quán ngôn ngữ của người Việt mà thôi. Người Việt không hề xem đó là một sự so sánh khập khiễng. Vấn đề còn lại là chỉ ở nghĩa của hai tiếng "nở nang".

Người ta sợ rằng, với bốn tiếng nét ngài nở nang, Nguyễn Du đã gắn vào khuôn mặt của Thúy Vân một đôi lông mày giống con sâu róm hoặc giống con tằm nằm (thì còn đẹp cái nỗi gì?). Nhưng nở nang ở đây đâu có được hiểu theo nghĩa đen mà phải lo sợ như thế. Chẳng có lẽ nói nở mặt nở mày thì lại diễn tả một khuôn mặt bị phù nề hoặc phình ra đến mức phúng phính? Nở mặt nở mày chẳng qua là mặt mày rạng rỡ hẳn lên, sáng sủa hẳn lên vì một niềm hãnh diện nào đó. Thì nét ngài nở nang cũng chỉ là nét lông mày rạng rỡ, tươi tắn mà thôi. Rất may mắn là trong Truyện Kiều Nguyễn Du cũng dùng thêm một lần nữa trong câu 2482:

Nở nang mày mặt, rỡ ràng mẹ cha.

Nở nang mày mặt ở đây nào có phải là mặt mày phồng lên hoặc phình ra, cũng chẳng phải mặt mày vốn dĩ đầy đặn mà là mặt mày rạng rỡ vì hãnh diện, vì mãn nguyện đó thôi.

Vậy nét ngài nở nang là nét lông mày tươi tắn và nét ngài chính là nét lông mày chứ không phải "nét người". Huống chi, nếu Thúy Vân thuộc tip người "nở nang" thì nàng đẹp (trang trọng khác vời) thế nào được đối với thẩm mỹ quan của Nguyễn Du - và trước nhất của Thanh Tâm Tài Nhân - về người đẹp ở thời đó!

(Theo nguồn: Bach khoa tri thuc.vn - mục: Hỏi đáp Đông Tây)

THỰC TRẠNG TỒN TẠI 2 TRÀO LƯU KHẲNG ĐỊNH "NÉT NGÀI VÀ NÉT NGƯỜI" DƯỜNG NHƯ CHƯA NGÃ NGŨ, CHƯA PHÂN THẮNG BẠI?

(Liệu chúng ta có thể chấp nhận thực tế này qua hơn 200 năm Truyện Kiều - một tác phẩm văn học bất hủ của Việt Nam ra đời?)

Có một thực tế đáng báo động rằng: cho đến nay, trong việc giảng văn trong phổ thông trung học có rất nhiều giáo viên giảng câu này là nét người, mặc dù chú thích trong sách giáo khoa PTTH thì là nét ngài. Chúng tôi hy vọng các nhà nghiên cứu Truyện Kiều sớm đưa ra cách giải thích thuyết phục và xác quyết được vấn đề.

Chúng tôi đã hỏi một số giáo viên dạy văn ở PTTH về việc giảng câu này là nét ngài hay nét người. Đa phần các giáo viên giảng là nét người. Do đó, chúng tôi xin đơn cử, giới thiệu thực trạng này qua bài "Nét ngài hay nét người" của thầy giáo Vũ Nho đăng trên trang blog của thầy. Và qua bài viết này chúng ta có thêm tư liệu so sánh câu: "Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang" và một số câu có liên quan ở một số bản Truyện Kiều mà giới học giả đã sưu tầm được.

Xin xem tiếp Bài 3.
HyperLink
Cùng chủ đề
© Copyright 2012    http://vietnamsuhoc.com/    All right reserved.   E-mail:info@vietnamsuhoc.com    Designed by Ho Quang.